Tiến sĩ khoa học máy tính Trần Việt Hùng là một trong số ít người Việt sau quá trình học tập, nghiên cứu tại Mỹ đã khởi nghiệp khá thành công tại thung lũng Silicon (Mỹ). Dự án Got It! được anh mang về quê hương nằm trong định hướng “go Global”, nhưng xuất phát từ Mỹ, và Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên.
Got It! Dự án khởi nghiệp cung cấp nền tảng
Got It!, dự án khởi nghiệp cung cấp nền tảng là ứng dụng kết nối những người hỏi và người giải đáp các thắc mắc, băn khoăn về kiến thức trong vòng từ 10-30 phút, khởi đầu trong lĩnh vực giáo dục nay đã mở rộng ra thêm các lĩnh vực khác.
Theo tiến sĩ Hùng, Got It! tới thời điểm này đã hoàn tất vòng gọi vốn seri B, các hoạt động từ phát triển sản phẩm đến kinh doanh đã đi vào ổn định. Nền tảng công nghệ trong ứng dụng Got It! cũng được nâng cấp. Từ chỗ sử dụng các chuyên gia là con người trả lời và giải đáp thắc mắc, cung cấp kiến thức cho người hỏi, Got It! bây giờ đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa nhiều khâu.
Thị trường Việt Nam
Khi được hỏi thị trường Việt Nam nằm trong định hướng toàn cầu “go Global” của Got It! như thế nào, tiến sĩ Hùng chia sẻ: “Ngay từ xuất phát điểm Got It! đã đi theo hướng toàn cầu, đa văn hóa. Nhiệm vụ của người sáng lập khi đó là nghĩ phải làm những gì và làm ở đâu là tốt nhất, và tất nhiên Việt Nam là nơi tôi nghĩ đến đầu tiên”. Giai đoạn đầu xây dựng Got It! Việt Nam, khó khăn lớn nhất chính là nguồn nhân lực.
“Việt Nam nhiều kỹ sư phần mềm nhưng chất lượng yếu so với tiêu chí và tiêu chuẩn làm sản phẩm quy mô toàn cầu. Từ vài nghìn người chỉ tuyển được số lượng đếm trên đầu ngón tay. Kỹ năng cứng đã không đủ, kỹ năng mềm cũng yếu, sẽ rất khó làm việc trong môi trường đa văn hóa”, tiến sĩ Hùng chia sẻ. Có những thời điểm tưởng như kiệt sức, phải từ bỏ kế hoạch xây dựng Got It! tại Việt Nam.
Để xoay chuyển, nhà sáng lập Trần Việt Hùng đã phải điều chỉnh chiến lược. Theo anh, nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam “không phải dạng vừa đâu” nhưng còn là những tài năng thô, không thể “một phát ăn ngay” được mà phải cất công mài giũa.
Cũng nhờ đó, GoT It! Việt Nam đã hình thành được một quy trình đào tạo chuẩn cho nhân sự kỹ sư mới được tuyển dụng vào, chỉ sau 6-9 tháng là đáp ứng công việc theo chuẩn hóa toàn cầu, không ngang bằng với kỹ sư tại thung lũng Silicon thì cũng bằng được 70-80%. Và cũng nhờ đó, đội ngũ của Got It! Việt Nam chủ yếu là về kỹ thuật đã tăng dần từ hơn chục người đến nay lên đến khoảng 80 người, là nơi có đội ngũ đông nhất của Got It! toàn cầu.
Tiến sĩ Hùng cho biết, việc mở văn phòng tại Việt Nam và những chuyến về nước công tác của anh chủ yếu là để phát triển nguồn nhân lực, chứ Got It! chưa mở mảng kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Thay vào đó, Got It! đang tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ, nơi startup này đang có khối khách hàng giáo dục với hơn 270 trường đại học. Nhiều tập đoàn lớn cũng chọn phát triển sản phẩm trên nền tảng của Got It!. Các chỉ số tăng trưởng từ thị phần kinh doanh cho đến nhân sự của Got It! đều đang khả quan, cho thấy lộ trình mang giá trị sử dụng và giá trị kinh doanh sẽ song hành ngày càng lớn. Tuy nhiên, như lời nhà sáng lập, làm startup thì chẳng bao giờ biết hài lòng, mà luôn tham vọng, muốn doanh nghiệp ngày càng mở rộng quy mô hơn nữa. Got It! cũng khát khao một ngày nào đó có thể vươn tầm toàn cầu to lớn như Google. Nhưng đó còn là một con đường rất dài.
“Từ trải nghiệm khởi nghiệp tại Got It! tôi nghĩ rằng, Việt Nam có thể xây dựng hàng nghìn công ty như thế và chỉ cần 1-2 công ty phát triển mang tầm vóc toàn cầu cũng đã là vượt kỳ vọng. Song muốn thế phải bắt đầu từ nguồn nhân lực, phải đào tạo bài bản, đúng chuẩn làm sản phẩm quốc tế từ trường đại học cùng với sự hợp tác của khối doanh nghiệp”, tiến sĩ Hùng cho biết.
Tư vấn miễn phí
Liên hệ với chúng tôi để thảo luận về dự án của bạn và nhận báo giá miễn phí